Nếu khoảng chục năm về trước, số lượng trung tâm thám tử tư gần như chỉ đếm được trên đầu ngón tay thì thời gian gần đây, do nhu cầu của xã hội, các trung tâm này mọc lên ngày càng nhiều. Chỉ cần gõ từ khóa “thám tử tư” trên trang tìm kiếm, ngay lập tức sẽ cho ra 2.730.000 kết quả. Để cạnh tranh, các trung tâm này làm mọi cách để thu hút khách hàng, từ cách truyền tai nhau, phát danh thiếp tại các giao lộ hay lập trang web quảng cáo nhằm thu hút khách hàng. Tất nhiên, ai cũng ra sức “nổ” để tạo tên tuổi cho trung tâm mình.
Tuy nhiên, do chưa được pháp luật thừa nhận và cấp giấy phép kinh doanh nên hầu hết các trung tâm thám tử tư đều phải hoạt động chui hoặc núp bóng một công ty khác dưới danh nghĩa “dịch vụ cung cấp thông tin”. Có thể nói, do nghề tham tu đang “ăn nên làm ra” nên từ những bác xe ôm, những cậu sinh viên mới ra trường hay cả những công chức, những người làm trong ngành an ninh đã về hưu... đổ xô đi làm thám tử cũng không là chuyện hiếm. Điều đó đã tạo nên một cảnh bát nháo, xô bồ, vàng thau lẫn lộn cho công việc vốn dĩ đã nhạy cảm này. Lẽ dĩ nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ, khách hàng sẽ là người chịu thiệt thòi nếu gặp phải những trung tâm thám tử không có uy tín.
Chị Thu T., nhà ở quận Gò Vấp (TPHCM) đã từng gặp một tình huống dở khóc dở cười như thế. Vốn nghi ngờ chồng có những quan hệ ngoài luồng, trong một lần đón con đi học về, chị T. được một người phát tờ rơi đưa cho danh thiếp của một trung tâm thám tử trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh. Như “người sắp chết đuối vớ được cọc”, chị nhanh chóng tìm tới trung tâm này để nhờ theo dõi chồng với một cái giá không hề rẻ.
Dich vu tham tu theo dõi, tìm kiếm con cái
Chỉ hơn một tuần sau, bên phía trung tâm đã cung cấp cho chị rất nhiều tấm ảnh anh chồng đang tay trong tay với bồ nhí, thậm chí địa chỉ khách sạn nơi hai người thường xuyên lui tới cũng được cung cấp rõ ràng. Máu ghen nổi lên, chị gọi chồng về để làm cho ra lẽ, nhưng chị đã bị một phen bẽ bàng khi biết được rằng những tấm ảnh “mùi mẫn” kia chỉ là sản phẩm của công nghệ chỉnh sửa ảnh mà trung tâm thám tử ra để lừa gạt tiền. Xấu hổ nhưng không biết kêu ai, chị đành ngậm bò hòn làm ngọt, trách mình dại dột khi đã quá tin người. Anh chồng sau thời gian giận dữ, nhận thấy mình cũng có lỗi vì đã ít quan tâm, chăm sóc đến vợ nên mới xảy ra sự việc trên nên cũng thôi trách móc, gia đình lại yên ấm như xưa.
Trường hợp của gia đình anh H., nhà ở quận 6 (TPHCM) lại càng oái oăm hơn. Cậu con trai duy nhất của anh chị năm nay bước vào lớp 12, thế nhưng gần đây, anh chị nhận thấy con mình có nhiều biểu hiện khác lạ như thường xuyên mệt mỏi, không chú ý đến xung quanh, thỉnh thoảng có điện thoại lại hay chạy về phòng riêng để nghe. Một vài lần, anh chị còn nghe hàng xóm kể thấy con thường đi với một đám bạn nhuộm tóc xanh, tóc đỏ.
Lo sợ con mình chơi bời với bạn bè xấu sẽ hư người, anh chị bàn nhau phải tìm người theo dõi “cậu quý tử” nhằm sớm có biện pháp ngăn chặn. Sau khi bỏ ra gần 4 triệu đồng, anh chị được phía trung tâm thám tử cam kết sẽ cung cấp tỉ mỉ lịch trình của cậu con trai từ lúc bước chân ra khỏi nhà cho tới khi quay về.
Từ hôm đó, mọi hoạt động trong ngày của cậu con trai được cập nhật về liên tục. Tuy nhiên, sau gần nửa tháng theo dõi, lịch trình của cậu con trai vẫn không có gì khả nghi, cậu vẫn lên lớp đều đặn, chỉ thỉnh thoảng tụ tập đi cà phê, chơi game cùng bạn bè rồi lại về nhà. Nghĩ con mình cuối cấp, chắc áp lực về bài vở, thi cử nhiều nên mới có những biểu hiện như vậy, anh chị đã tính đến chuyện thanh lý hợp đồng.
Do nghề thám tử tư đang “ăn nên làm ra” nên người người đổ xô đi làm... thám tử (Ảnh minh họa)
Mọi chuyện vỡ lở khi trong một lần ra ngoài giải quyết chuyện cơ quan, anh H. bỗng bắt gặp cậu quý tử đang vi vu trên chiếc xe mới được ba mẹ sắm cho, ngồi đằng sau là một cô bé mặc áo hai dây ngắn cũn cỡn, dù đang trong giờ học. Sau khi tra hỏi, anh mới tá hỏa khi cậu con trai cho biết, chỉ vài ngày sau khi bị cha mẹ cho người theo dõi, nhóm bạn của cậu đã phát hiện ra hành tung của người thám tử. Thay vì về nhà và làm ầm lên, cậu đã “tương kế tựu kế”, biến anh chàng thám tử kia thành “điệp viên hai mang” cung cấp thông tin “ảo” về lịch trình của mình nhằm dễ dàng tụ tập bay nhảy với bạn bè. Cha mẹ cậu do quá tin tưởng vào những thông tin được cung cấp nên đã bị qua mặt. Tức giận vì bị lừa dối, hai vợ chồng tìm đến trung tâm thám tử để làm cho ra lẽ thì mới biết văn phòng này đã chuyển đi cách đó không lâu.
Trong vai một người cần thuê thám tử theo dõi những mối quan hệ của vợ mình, phóng viên đã liên hệ với một trung tâm thám tử trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp. Khác hẳn với hình dung ban đầu, trung tâm thám tử này chỉ là một căn phòng nằm sâu trong một con hẻm nhỏ. Tiếp chuyện chúng tôi là một thanh niên tên H., ngoài 30 tuổi, được giới thiệu là giám đốc của trung tâm với gần 10 năm kinh nghiệm.
Theo anh này, các nhân viên ở đây đều đã được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, kỹ năng thám tử, có khả năng giải quyết mọi yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, khi được hỏi, hiện tại Việt Nam có nơi nào cấp chứng chỉ đào tạo kỹ năng nghiệp vụ thám tử không, anh chàng khá lúng túng và sau đó trả lời chứng chỉ này chỉ có giá trị lưu hành nội bộ (?!). Sau khi biết ý định của chúng tôi, H. đưa ra hai gói dịch vụ để khách hàng lựa chọn, hoặc là ký hợp đồng theo ngày với giá 1 triệu/ ngày, hoặc là bao trọn gói với giá 6 triệu/tuần, trả trước 50%, số còn lại sẽ thanh toán sau khi hợp đồng kết thúc. Lấy lý do cần suy nghĩ lại, chúng tôi ra về trong ánh mắt tiếc nuối của H..
Nghề thám tử chưa được công nhận là một nghề hợp pháp
Hầu hết những van phong tham tu đều cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của nghề thám tử là chưa được pháp luật thừa nhận, chính điều này đã tạo nên một rào cản rất lớn trong quá trình làm việc. Anh Hóa, làm việc tại một trung tâm thám tử cho biết, trong quá trình tác nghiệp, do không có tư cách pháp nhân nên chuyện các thám tử tư bị cơ quan chức năng “hỏi thăm” là chuyện bình thường. Nhiều khi theo dấu đối tượng đến một khu vực nào đó, nhưng những người dân ở đây thấy người lạ lởn vởn xung quanh, nghi là người xấu liền báo công an khu vực ra xử lý. “Những trường hợp như vậy, mình không thể nào xưng là thám tử tư đang theo dõi người khác được, mà phải giả vờ như đang tìm nhà người quen để có cớ mà rút lui”, anh Hóa trăn trở.
Hiện nay, thám tử tư vẫn là một nghề chưa được nhà nước công nhận (Ảnh minh họa)
Anh Long, làm việc tại một văn phòng thám tử khác cũng cho rằng hiện nhu cầu thuê thám tử của các cá nhân, doanh nghiệp đang ngày càng lớn. Trong đó, đa phần là những vụ việc có tính chất nhạy cảm, các mối quan hệ trong gia đình và các thân chủ rất ngại nếu phải nhờ tới sự can thiệp từ phía các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, một vài vụ việc còn cần đến tính bảo mật, kín đáo vì ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân hay cơ quan, tổ chức…, lúc này, thám tử tư như là một sự lựa chọn hàng đầu nên việc thừa nhận sự tồn tại của nghề thám tử tư là một vấn đề cần được xem xét.
“Chúng tôi luôn trăn trở với nghề cũng như mong muốn được xã hội, pháp luật công nhận thám tử là một ngành nghề hợp pháp. Chúng tôi coi đây là lĩnh vực hoạt động nhạy cảm nên cũng rất cần nhà nước sớm ban hành các quy định cũng như điều kiện kèm theo để công nhận ngành nghề này. Có như vậy việc quản lý hoạt động này mới quy củ, dẹp được những trung tâm làm ăn chụp giật, lừa đảo khách hàng…”, anh Long tâm sự.
Một khó khăn nữa, theo đại diện một số văn phòng thám tử, đó là hầu hết đội ngũ thám tử đều là dân “tay ngang”, đến với nghề vì có lòng đam mê hoặc đơn giản vì nghĩ nghề này “hái ra tiền” nên thường có xu hướng “vừa làm, vừa học” để tích lũy thêm kinh nghiệm. Chính điều này đã gây không ít phiền toái cho khách hàng và chính cả bản thân những công ty thám tử khi ngộ nhận vào khả năng của mình, dẫn đến chuyện thực hiện các phi vụ vượt trái các quy định pháp luật, xâm phạm đời tư, hình ảnh, thương hiệu của cá nhân, tổ chức…